Doanh nghiệp có thể bị cướp trắng nhãn hiệu nếu như không đăng ký

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 146 | Cật nhập lần cuối: 3/16/2022 11:15:38 AM | RSS

Doanh nghiệp có thể bị cướp trắng nhãn hiệu nếu như không đăng ký

Doanh nghiệp có thể bị cướp trắng nhãn hiệu nếu như không đăng ký

Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ có quy định Quyền đăng ký nhãn hiệu như sau: Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hoá do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp. Quy định này không thể loại trừ khả năng một người đã sử dụng nhãn hiệu trong thương mại, nhưng vì chưa đăng ký bảo hộ có thể bị người khác cướp mất nhãn hiệu nếu họ đi đăng ký bảo hộ trước.

Tại một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nhận thức của người dân về Sở hữu trí tuệ vẫn còn hạn chế, thậm chí bị xem nhẹ,… có rất nhiều các cá nhân, tổ chức đang kinh doanh nhưng không ý thức phải đăng ký nhãn hiệu. Đây là điều kiện lý tưởng cho những kẻ “có trình độ cao hơn” dễ dàng ăn cắp nhãn hiệu của người khác bằng cách đơn giản là chỉ cần đi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đó.

Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam (kể cả doanh nghiệp lớn hơn) đã bị mất quyền sở hữu nhãn hiệu ngay trên lãnh thổ Việt Nam vì lý do đăng ký bảo hộ muộn.

Câu chuyện Nhãn hiệu rượu Kim Sơn, Ninh Bình

Địa danh huyện Kim Sơn thuộc Ninh Bình nổi tiếng với Nhà thờ Phát Diệm và sản phẩm rượu Kim Sơn. Ngày 21/10/2002, Công ty TNHH Anh Đào, khu công nghiệp Phú Diễn, xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội đã nộp đơn yêu cầu và được Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 46737 bảo hộ nhãn hiệu “rượu nếp Kim Sơn Phát Diệm, hình” cho các sản phẩm rượu thuộc nhóm 33. Ngày 8/4/2005, Công ty TNHH Nga Hải, xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, Ninh Bình nộp đơn yêu cầu Cục SHTT bảo hộ nhãn hiệu “K S R Kim Sơn, hình” cho sản phẩm rượu Kim Sơn nhưng bị Cục SHTT từ chối vì tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu số 46737.

Câu chuyện thương hiệu Nhãn chín muộn Đại Thành

Tại xã Đại Thành, huyện Quốc Oai, Hà Nội có sản phẩm nhãn chín muộn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2006, ông Nguyễn Văn Thành trú tại xã Đại Thành, huyện Quốc Oai đã đăng ký và được Cục SHTT cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu “Nhãn chín muộn Đại Thành” số 87355 cho nhóm sản phẩm số 31 quả nhãn tươi. 6 năm sau (2012) Hợp tác xã nông nghiệp Đại Thành, xã Đại Thành, huyện Quốc Oai, Hà Nội mới nộp đơn yêu cầu Cục SHTT bảo hộ nhãn hiệu “Nhãn chín muộn Đại Thành, hình” cho nhóm sản phẩm số 31 quả nhãn tươi.

Như đã biết, sản phẩm nông nghiệp thường gắn thương hiệu với tên một địa danh nhất định, quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng cũng gắn với địa danh này. Trong trường hợp này, Hợp tác xã nông nghiệp Đại Thành đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu chậm hơn ông Nguyễn Văn Thành tới 6 năm. Sau quá trình đàm phán, chủ sở hữu nhãn hiệu số 87355 đã chủ động làm đơn đề nghị Cục SHTT hủy bỏ hiệu lực đối với nhãn hiệu của mình. Ngày 7/02/2013, Cục SHTT đã ra quyết định hủy bỏ hiệu lực đối với nhãn hiệu này, và ngày 21/08/2013, Cục SHTT đã cấp cho hợp tác xã nông nghiệp Đại Thành văn bằng bảo hộ số 210660.

Câu chuyện thương hiệu Vinakansai Ninh Bình

Logo Vinakansai Ninh Bình

Câu lạc bộ bóng đá Vinakansai (do Công ty TNHH xi măng Vinakansai Ninh Bình tài trợ nhằm quảng cáo cho xi măng Vinakansai) đã chi ra những khoản tiền khổng lồ nhằm chiến thắng trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ. Nhưng một thời gian sau, tên Vinakansai của cả đội bóng và công ty xi măng đã biến mất, thay vào đó là một cái tên khác “Câu lạc bộ bóng đá Xi măng The Vissai Ninh Bình” do Tập đoàn xi măng The Vissai Ninh Bình tài trợ.

Doanh nghiệp có thể bị cướp trắng nhãn hiệu nếu như không đăng kýLogo Vissai Ninh Bình FC

Tài liệu lưu trữ tại Cục Sở hữu trí tuệ cho thấy, ngày 26/07/2007, Công ty TNHH Xi măng Vinakansai đã nộp đơn yêu cầu Cục SHTT bảo hộ nhãn hiệu Vinakansai, nhưng đến ngày 20/10/2008, Cục SHTT đã ra thông báo kết quả thẩm định số 64438/SHTT-NH1 với nội dung từ chối bảo hộ nhãn hiệu Vinakansai vì đã gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam mà chủ sở hữu là Công ty cổ phần thép cũng mang tên Vinakansai có trụ sở tại Km 18, quốc lộ 5, xã Lê Thiện, huyện An Dương, Hải Phòng. Do vậy, Xi măng Vinakansai Ninh Binh buộc phải đổi tên thành The Vissai Ninh Bình. Và như vậy, trong thực tế Xi măng Vinakansai Ninh Bình đã đầu tư rất nhiều tiền để quảng cáo “không công” cho một doanh nghiệp khác.

Câu chuyện thương hiệu VINAFOOD

Ngày 24/05/1995, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 311/QĐ-TTg về việc thành lập Tổng công ty Lương thực miền Nam có tên giao dịch quốc tế là VIETNAM SOUTHERN FOOD CORPORATION, viết tắt là VINAFOOD II, Quyết định số 312/QĐ-TTg về việc thành lập Tổng công ty Lương thực miền Bắc có tên giao dịch quốc tế là VIETNAM NORTHERN FOOD CORPORATION, viết tắt là VINAFOOD I.

Cần lưu ý rằng, VINAFOOD I và VINAFOOD II trong các quyết định nêu trên của Thủ tướng Chính phủ chỉ là tên thương mại, nhưng một thời gian dài sau đó cả 2 tổng công ty này đều dùng làm nhãn hiệu để in trên bao bì sản phẩm của mình mà không hề đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.

Ngày 28/06/2002, Tổng công ty Lương thực miền Nam nộp đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu VINAFOOD II cho nhóm 29 và 30 và được Cục SHTT cấp Đăng bạ quốc gia nhãn hiệu hàng hóa vào ngày 20/06/2003.

Đến ngày 6/12/2006, Tổng công ty Lương thực miền Bắc mới nộp đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu VINAFOOD I nhưng bị Cục SHTT từ chối vì tương tự gây nhầm lẫn với VINAFOOD II. Bởi vậy, ngày 17/09/2007 Tổng công ty Lương thực miền Bắc đã buộc phải đổi nhãn hiệu thành VNF1 và sau đó đăng ký bảo hộ thành công nhãn hiệu VNF1.

Vinafood I bắt buộc phải đổi nhãn hiệu thành VNF1

Như vậy, Tổng công ty Lương thực miền Nam được sở hữu nhãn hiệu trùng với tên thương mại của mình, chắc chắn sẽ thuận lợi hơn trong giao dịch thương mại. Còn Tổng công ty Lương thực miền Bắc sau rất nhiều năm sử dụng nhãn hiệu VINAFOOD I đã phải đổi thương hiệu thành VNF1 – coi như phải xây dựng hình ảnh thương hiệu lại từ đầu.

Nếu giả định rằng, cả 2 Tổng công ty này cùng đăng ký để sở hữu nhãn hiệu tập thể VINAFOOD sau đó phân nhánh sử dụng VINAFOOD I và VINAFOOD II thì sẽ thuận lợi cho cả hai, nhưng tiếc rằng giả định này đã không xảy ra.

Câu chuyện của ngân hàng Vietinbank

Như đã biết, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam được thành lập từ năm 1988, có tên giao dịch là Incombank. Trong khoảng 20 năm, Ngân hàng Công thương Việt Nam đã lấy tên thương mại Incombank của mình làm nhãn hiệu dịch vụ mà không đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ.

Các thông tin trong cơ sở dữ liệu của Tổ chức SHTT thế giới WIPO cho thấy đơn nhãn hiệu quốc tế số 603176 ngày 20/05/1993 (5 năm sau khi Ngân hàng Công thương Việt Nam được thành lập) đã đăng ký nhãn hiệu INKOM BANK do một ngân hàng thương mại của Nga đăng ký có chỉ định tại Việt Nam.

Hậu quả là, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam đã không thể sở hữu hợp pháp nhãn hiệu Incombank ngay trên lãnh thổ Việt Nam. Để có thể xuất khẩu dịch vụ tài chính, ngân hàng ra thị trường nước ngoài thì Ngân hàng Công thương Việt Nam đã buộc phải thay đổi nhãn hiệu thành Vietinbank. Giả định rằng, trước ngày 20/05/1993, Ngân hàng Công thương Việt Nam đã nộp đơn cho Cục SHTT yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu Incombank thì đơn nhãn hiệu quốc tế số 603176 đã bị vô hiệu khi chỉ định bảo hộ nhãn hiệu Inkombank tại Việt Nam.

Nguồn tham khảo:

1. Tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin trên Internet;

Xin lưu ý: Nội dung và các văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn xem bài viết. Để có được thông tin đầy đủ và chính xác nhất, bạn vui lòng gọi hotline để được tư vấn hoàn toàn miễn phí.

Xem bình luận

Sắp xếp

Hỗ trợ trực tuyến

TOP